Cuối đời Quách Quý phi (Đường Hiến Tông)

Năm Hội Xương thứ 6 (846), Đường Vũ Tông băng hà. Hoàng đế qua đời mà không có hậu duệ, dòng dõi hậu duệ trực hệ của Quách hậu do đó cũng chấm dứt. Theo trình tự thừa kế, ngôi vị hoàng đế rơi vào tay của Quang vương Lý Di, tức Đường Tuyên Tông - con trai thứ 13 của Đường Hiến Tông.

Mẫu thân của Tuyên Tông là Trịnh Thái phi, trước đó từng là nô tì hầu hạ Quách hậu, sau do Đường Hiến Tông sủng hạnh mà sinh được hoàng tử. Thế nhưng do Trịnh thị thân phận quá thấp, sau khi sinh Lý Di thì vẫn bị điều đi biệt cung mà không cho ở lại trong cung. Ngôi Hoàng đế mà con cháu của bà nắm giữ trong gần 30 năm đã rơi vào tay kẻ khác, lại là con của một người từng là nô tỳ của mình khiến Quách hậu rất bất mãn và khinh thường. Đường Tuyên Tông sau khi đăng cơ, đã tôn mẫu thân của mình Trịnh thị làm Hoàng thái hậu, trong khi vẫn giữ ngôi vị Thái hoàng thái hậu của Quách thị, trong cung tổ chức yến tiệc vẫn tôn Quách hậu vào bậc đầu, còn Trịnh thị ở ngôi thứ. Sau khi lên ngôi, không rõ có phải vì mâu thuẫn giữa Quách hậu và Trịnh thị hay không, mà Đường Tuyên Tông tuyên tin nghi ngờ Thái hoàng thái hậu là người chủ mưu trong cái chết của phụ hoàng Đường Hiến Tông, để đưa con mình là Đường Mục Tông lên ngôi.

Năm Đại Trung thứ 2 (848), ngày 25 tháng 6 (âm lịch)[1], Quách Thái hoàng thái hậu cùng vài tên Thị giám lên Cần Chính lâu (勤政樓), muốn từ đó nhảy xuống đất mà tự vẫn, nhưng được tả hữu ngăn lại kịp thời. Đường Tuyên Tông nghe đến việc này thì rất không vui. Bỗng nhiên, nửa đêm hôm đó Quách Thái hoàng thái hậu băng hà ở Hưng Khánh cung, do vậy có lời đồn cái chết này là do Tuyên Tông hoàng đế bí mật sai người hạ độc[26][27][28]. Bà được truy tôn thụy hiệuÝ An hoàng hậu (懿安皇后).

Sau đó, Thái thường quan là Vương Hao (王暤) trình bày trình tự thờ cúng Thái hoàng thái hậu, hợp táng với Hiến Tông và thăng phụ Thái Miếu. Nhưng Đường Tuyên Tông không muốn cho hợp táng Quách Thái hoàng thái hậu với Hiến Tông, mà định để Trịnh Hoàng thái hậu hợp táng sau khi bà qua đời. Vì thế, Tuyên Tông ngầm lệnh Tể tướng Bạch Mẫn Trung (白敏中) phản đối Vương Hao, nhưng Vương Hao mạnh mẽ đáp:"Quách hậu vốn là Nguyên phi của Hiến Tông khi ở Đông Cung, làm con dâu thảo phụng dưỡng Thuận Tông. Trải qua năm triều, trở thành Thiên hạ mẫu hậu, thế nào việc an táng lại có dị nghị?!". Các quan viên khác nghe mệnh Tuyên Tông cũng đứng ra phản đối Vương Hao, nhưng ông trước sau vẫn cương trực như vậy. Do đó ông bị giáng làm Huyện lệnh của huyện Câu Dung, rời khỏi triều đình[29].

Sang đời Đường Ý Tông, Vương Hao được gọi về triều, vẫn chủ trương cho Quách hậu phụ táng vào Cảnh lăng (景陵), thăng phụ Thái Miếu. Sau nhiều năm bị đình trệ thì việc này mới được giải quyết[30][31].